Vận động tinh là một trong những kỹ năng đặc biệt quan trọng đối với học sinh khuyết tật. Trong quá trình phát triển bình thường, ở mỗi mốc phát triển khác nhau, trẻ đạt được những kỹ năng nhất định theo độ tuổi. Đối với học sinh khuyết tật, đặc biệt là học sinh khuyết tật trí tuệ, do chịu ảnh hưởng của tật nên kỹ năng vận động tinh của các em hạn chế rất nhiều so với độ tuổi. Điều này ảnh hưởng đến các lĩnh vực phát triển khác như: Tự phục vụ, xã hội (các kỹ năng chơi đòi hỏi có vận động)…. gây khó khăn cho học sinh trong việc sống độc lập, tự chủ trong cuộc sống và hòa nhập xã hội.
Qua quá trình giảng dạy cho thấy, thực trạng kỹ năng vận động tinh của học sinh khuyết tật trí tuệ trong lớp gặp các vấn đề như: Học sinh gặp khó khăn trong việc dùng lực của các ngón tay (lực của các ngón tay yếu). Sự cử động của từng ngón tay trên bàn tay gặp khó khăn. Chẳng hạn học sinh gặp khó khăn trong việc kết hợp các ngón trên bàn tay để đưa ra số lượng ba ngón tay, bốn ngón tay… Sự kết hợp các ngón tay trên bàn tay cón thiếu linh hoạt. Chắng hạn như kết hợp ngón tay cái và ngón trỏ để nhặt hạt nhỏ. Sự kết hợp hai tay trong việc thực hiện kỹ năng còn rời rạc, thiếu linh hoạt (xé, xâu, cắt…) Các kỹ năng đòi hỏi sự kết hợp giữa tay và mắt còn nhiều hạn chế.
Học sinh khuyết tật nói chung và học sinh khuyết trí tuệ nói riêng rất hạn chế trong kỹ năng vận động tinh vì vậy việc đưa ra những hoạt động phù hợp, từng bước nhỏ để giúp các em phát triển kỹ năng vận động tinh là vô cùng cần thiết.
1.Nội dung hoạt động
Nội dung hoạt động phát triển kỹ năng vận động tinh cho học sinh khuyết tật trí tuệ có thể chia theo các nhóm như sau:
* Nhóm hoạt động rèn lực và cử động của các ngón tay trên bàn tay
Giáo viên có thể tổ chức các hoạt động như:
- Cầm nắm: Cầm thìa, đũa để xúc hạt (gạo, đỗ, lạc…), gắp, cầm và rung chuông
- Nhặt, đặt, thả: Nhặt đồng xu, nhặt hạt vừa, nhặt hạt nhỏ, nhặt sợi chỉ, thả đồ vật vào vật chứa
- Ấn, véo, tạo dấu: Dùng ngón tay ấn thành lỗ trên đất nặn, véo đất, ấn nút…
- Lồng, xếp: Lồng cốc, xếp chồng, xếp vào cột, xếp hạt theo đường thẳng, ngang, xếp hạt theo hình…
- Sử dụng kẹp quần áo có độ dùng lực mạnh, nhẹ khác nhau.
- Cắm đinh gim, que (trên bảng xốp, đất nặn…)
- Bóp bóng (bóng cảm giác, bóng ni lông tạo tiếng kêu…)
- Sử dụng kẹp gắp giấy, gắp miếng xốp, gắp hạt nhựa…
- Mở và đóng công tắc
* Nhóm hoạt động rèn kỹ năng phối hợp hai tay
Giáo viên có thể tổ chức các hoạt động như:
- Xoay, vặn mở: Mở - đóng nắp hộp, mở - đóng nắp chai, vặn ốc vít nhựa,
- Xâu: Xâu hạt to, xâu hạt vòng, xâu bằng que, xâu bằng dây cước, xâu bằng dây mềm (dây giày)
- Lấy hạt ra khỏi que, sợi dây
- Gấp giấy, xé giấy
- Sử dụng đất nặn: Vo thành hình tròn, lăn thành dải, nặn thành các hình dạng khác nhau (đồ vật, con vật, quả…)
- Đan, tết: Đan giấy màu, đan – tết dây…
*Nhóm hoạt động rèn kỹ năng phối hợp tay – mắt
- Sử dụng kéo: Cắt tự do, cắt theo đường thẳng – ngang – xiên – zic zắc… cắt thành dải, cắt theo hình dạng
- Vẽ: Vẽ bằng đầu ngón tay, vẽ bằng bút (vẽ nguyệch ngoạc, vẽ các đường và hình dạng…)
- Tô màu: Tô màu theo đường viền, tô theo hình dạng, tô – phối màu theo bức tranh.
- Xé dán tranh
- Xếp: Xếp khối gỗ thành cột, xếp vào cột, xếp hạt theo đường và hình dạng
- Đan, tết, buộc dây
Hình thức tổ chức: GV có thể tổ chức hoạt động theo cá nhân hoặc nhóm tùy thuộc vào khả năng của học sinh. Có thể tổ chức bằng hình thức trò chơi, hoạt động thi đua.
2. Một số lưu ý khi dạy kỹ năng vận động tinh cho học sinh khuyết tật trí tuệ
- Với mỗi nhóm kỹ năng phải lựa chọn, thiết kế hoạt động từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từng bước nhỏ phù hợp với đặc điểm của từng học sinh. Đưa ra yêu cầu về số lượng, thời gian phù hợp với khả năng tập trung chú ý của học sinh.
- Cần đảm bảo an toàn cho học sinh trong hoạt động, lưu ý đến việc quản lý và lựa chọn đồ dùng đối với những học sinh có vấn đề về hành vi (học sinh có thể cho hạt, vật nhỏ vào miệng gây hóc)
- Luôn khuyến khích học sinh cho dù là những tiến bộ nhỏ, tạo không khí học tập vui vẻ, khuyến khích tính chủ động, sáng tạo của các em.
- Khi tổ chức hoạt động nên kết hợp với các hình thức thi đua, khen thưởng hay trò chơi nhằm tăng hứng thú, tạo tinh thần vui vẻ cho học sinh. Việc động viên, khen thưởng sẽ mang lại hứng thú, động cơ đồng thời tạo không khí thi đua giữa các học sinh.
Một số hình ảnh minh họa:
Học sinh thực hiện hoạt động buộc dây và đan
rèn kỹ năng phối hợp hai tay
Học sinh thực hiện hoạt động cắt dán làm cờ rèn kỹ năng phối hợp tay –
mắt
Đồ dùng để thực hiện hoạt động lắp ghép, vặn, xoay với kích thước khác nhau
Một số đồ dùng thực hiện hoạt đông xâu với kích thước các lỗ xâu to – nhỏ
khác nhau và dụng cụ xâu bằng que nhựa, dây mềm.